KỸ THUẬT CẦM VỢT BÓNG BÀN CẦN BIẾT? -BÀI 5

Kỹ thuật cầm vợt là động tác đầu tiên của người tập bóng bàn, cách cầm vợt có liên quan mật thiết đến việc phát triển và nâng cao kỹ thuật bóng bàn. Người ta phân ra có 2 cách cầm vợt chính như sau:

  •     Cách cầm vợt dọc.
  •     Cách cầm vợt ngang.

1. Cách cầm vợt dọc:

Tương tự như cầm thìa, cầm bút viết, vợt dọc thường sử dụng phổ biến ở một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và một số nước ở Đông Nam Á.

Vợt dọc sử dụng một mặt vợt đánh cho cả 2 bên, nên chuyển tay nhanh, cổ tay linh hoạt, đều chỉnh mặt vợt dễ. Đánh bóng thuận tay mạnh, chính xác, giao bóng đa dạng, tấn công nhanh tốt. Vợt dọc cắt bóng khó hơn vợt ngang, phạm vi chiếu cố hẹp, phối hợp giữa tấn công và phòng thủ khó.

    Cầm vợt dọc phải biết tác dụng các ngón tay trên mặt vợt. Dưới đây xin giới thiệu 1 kiểu cầm cơ bản:

    – Mặt phải vợt: Ngón cái và ngón trỏ dùng lực điều chỉnh giữ lấy cán vợt. Cán vợt nằm ở hố khẩu (giữa ngón cái và ngón trỏ). Đốt thứ nhất của ngón tay cái tì vào cạnh trái vợt. Đốt thứ 3 của ngón tay trỏ tì vào cạnh phải vợt.

    – Mặt trái vợt: Vợt dọc thường sử dụng mặt phải vợt, nhưng các ngón tay đặt ở mặt sau vợt có tác dụng rất lớn. Khi dùng sức và điều chỉnh mặt vợt các ngón tay đặt ở mặt sau có thể như sau:

     Ngón tay giữa co tự nhiên tì đỡ phần giữa vợt, ngón đeo nhẫn và ngón út đặt chồng lên ngón giữa. Khi đánh bóng đốt thứ 1 và 2 của ngón giữa dùng sức ấn vào mặt sau vợt, các ngón kia hỗ trợ thêm cho tập trung lực đánh bóng.

  • Hình minh họa cầm vợt dọc:

cầm vợt dọc

 2. Cách cầm vợt ngang

Thường sử dụng cả 2 mặt vợt để đánh bóng, nên phạm vi đánh bóng rộng hơn vợt dọc, việc kết hợp giữa tấn công và phòng thủ tốt. Đánh trái tay thuận lợi, cổ tay linh hoạt, có sức mạnh.

– Ngón tay cái đặt ở mặt phải vợt, ngón tay trỏ đặt ở mặt trái vợt, ngón tay giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út nắm lấy cán vợt. Kiểu cầm này tương đối linh hoạt, có thể sử dụng được sức mạnh của cánh tay, phạm vi đánh bóng rộng. Đây là kiểu cầm thuận lợi cho vợt ngang, phát huy kỹ thuật tương đối toàn diện, dễ công, dễ thủ. Để dùng lực thuận lợi khi vụt bóng có thể thay đổi vị trí ngón tay. Nếu vụt nhanh, ngón cái giữ nguyên, ngón trỏ dịch lên một ít để giữ thăng bằng và điều chỉnh góc độ vợt.

  • Hình minh họa:

kỹ thuật cầm vợt 3. Những vấn đề cần lưu ý trong cách cầm vợt.

  • Với những người mới tập bóng bàn thì phương pháp cầm vợt cần ổn định, không nên thay đổi một cách quá dễ dàng cách cầm vợt để đảm bảo cho động tác đánh bóng ổn định.
  • Cầm vợt không nên quá chặt hoặc quá lỏng, cầm quá chặt sẽ ảnh hưởng tới tính linh hoạt của cổ tay và ngón tay khi đánh bóng, quá lỏng sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh đánh bóng và tỷ lệ bóng vào bàn suy giảm.
  • Dựa vào sự yêu thích và đặc điểm kỹ thuật của bản thân mà chọn phương pháp cầm vợt thích hợp. Ví dụ thích đánh tấn công gần bàn nên chọn cầm vợt dọc, thích đánh líp bóng thuận, trái tay thì tốt nhất là chọn cách cầm vợt ngang. Tốt hơn hết người mới học chơi bóng bàn khi chọn và học cách cầm vợt nên có sự chỉ dẫn của một huấn luyện viên bóng bàn.

Mọi thắc mắc và đóng góp ý kiến các bạn để lại dưới phần phản hồi bên dưới! (Nếu thấy ý nghĩa nhớ like và chia sẻ cho mọi người cùng biết luôn nhé)

Chúc các bạn một ngày thành công!

Võ Văn Luật!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.