KỸ THUẬT ĐỐI LẠI BÓNG GIẬT XOÁY CHẬM -BÀI 7

Trong trận đấu bóng bàn ta rất hay gặp những đường bóng giật xoáy đi chậm thì ta có 3 phương án để chống lại quả giật này:

  • Phương án 1: Kỹ thuật chặn bóng cơ bản đối với giật bóng (các bạn xem lại bài trước nhé)
  • Phương án 2: Kỹ thuật đẩy bóng tăng lực (hay còn gọi là bắn bóng chống lại quả giật moi. Đây là kỹ thuật thường gặp cho những vận động viên có lối đánh đôi công gần bàn chủ đạo)
  • Phương án 3: Kỹ thuật giật bóng đờ mi (kỹ thuật này khó nhất đòi hỏi phải luyện tập nhiều, chủ yếu giành cho vận động viên có lối đánh tấn công làm chủ đạo)

1. Kỹ thuật đẩy bóng tăng lực :

* Đặc điểm kỹ thuật:

Tốc độ nhanh, sức mạnh lớn, điểm rơi biến hóa, có kèm xoáy lên hoặc không xoáy. Có thể hạn chế tấn công của đối phương, buộc đối phương lùi ra xa bàn, tạo cơ hội tấn công. Kỹ thuật này thường sử dụng phối hợp với chặn bóng giảm lực để có thể khống chế và điều động được đối phương, giành quyền chủ động.

* Thực hiện kỹ thuật đẩy bóng tăng lực trái tay:

  • Giai đoạn chuẩn bị: Đứng ở phần giữa hoặc lệch sang trái bàn, thần người cách bàn khoảng 50cm. Hai chân đứng sang hai bên, chân phải hơi ra trước hoặc hai chân đứng ngang nhau, đứng vuông góc với hướng bóng tới. Hai gối hơi khuỵu, hóp bụng và ngực, thân người xoay ra trước hoặc hơi xoay sang trái. Cánh tay co tự nhiên đưa vợt ra trước bụng hoặc lệch trái, cẳng tay xoay ngoài, làm cho mặt vợt hơi nghiêng ra trước. Vợt cao bằng mặt lưới hoặc hơi cao hơn.
  • Giai đoạn đánh bóng: Khi bóng đối phương đánh đến vượt qua lưới, cánh tay, cẳng tay và cổ tay vung vợt ra trước đón bóng. Đồng thời lưng lườn, khớp hông xoay sang phải. Vào cuối thời điểm bóng đi lên hoặc ở lúc cao nhất của bóng đến, dùng mặt vợt hơi nghiêng trước đẩy đánh vào phần giữa của bóng. Trong giây lát đánh vào bóng, cánh tay, cẳng tay và cổ tay phát lực ra trước và hướng xuống dưới đẩy ép bóng phối hợp với dùng sức nhịp nhàng của toàn thân.
  • Giai đoạn kết thúc: Sau khi đánh vào bóng, cánh tay và bàn tay vung theo đà ra trước và xuống dưới, sau đó nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị ban đầu. Trong quá trình thực hiện động tác, trọng tâm cơ thể chuyển dịch từ chân trái sang chân phải.

Bóng giật xoáy chậm

2. Kỹ thuật giật bóng đờ mi:

* Đặc điểm kỹ thuật:

Vị trí đứng gần bàn, động tác nhỏ, tốc độ nhanh đường vòng cung thấp, đường bóng linh hoạt có kèm theo xoáy lên. Có thể mượn lực bật trỏ lại của bóng đến để nâng cao tốc độ tạo ra cơ hội đập vụt. Đây là kỹ thuật chuyên dùng để đối phó với giật bóng.

* Thực hiện kỹ thuật giật đờ mi thuận tay:

  • Giai đoạn chuẩn bị: Vị trí đứng ở khu vực giữa hoặc lệch sang bên trái bàn. Thân người cách bàn khoảng 40cm, chân trái hơi đứng ra trước, trọng tâm cơ thể rơi vào chân phải, hai gối hơi co, hóp bụng và ngực, thân người hơi xoay sang phải. Tay phải co tự nhiên, cẳng tay nâng lên trên đưa vợt đến vị trí hơi cao ở bên phải thân người. Đồng thời cẳng tay xoay trong làm cho mặt vợt nghiêng trước.
  • Giai đoạn đánh bóng: Sau khi bóng đối phương đánh sang bật lên khỏi mặt bàn, dùng lực của cẳng tay và cổ tay làm chính vung vợt ra trước sang trái đón bóng, đồng thời với xoay thân trên sang trái. Trong thời điểm bóng đi lên, dùng mặt vợt nghiêng trước đánh vào phần giữa, lệch trên của bóng. Trong giây lát vợt đánh vào bóng, mượn sức xoay của thân làm cho cẳng tay bàn tay nghiêng trước kéo giật bóng.
  • Giai đoạn kết thúc: Sau khi đánh vào bóng tay vung vợt theo đà ra trước sang trái và nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị ban đầu. Trong quá trình thực hiện động tác, trọng tâm cơ thể di chuyển từ chân phải sang chân trái.

3. Video hướng dẫn kỹ thuật:

Mọi thắc mắc và đóng góp ý kiến các bạn để lại dưới phần phản hồi bên dưới! (Nếu thấy ý nghĩa nhớ like và chia sẻ cho mọi người cùng biết luôn nhé)

Chúc các bạn một ngày thành công!

Võ Văn Luật!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.